Giỏ hàng

Bộ GTVT khởi công đường nối Quốc lộ 1 và 47 phía Tây TP Thanh Hóa

Ngày 8/8, Ban Quản lý các dự án ATGT (Bộ GTVT) và Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa tổ chức khởi công Dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa (Giai đoạn I).
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, nguyên lãnh đạo Tỉnh uỷ, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các ban, ngành của tỉnh Thanh Hoá và Bộ GTVT cùng tham dự buổi Lễ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Đinh La Thăng
cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ Dự án

Dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), nối QL1 và QL47 được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, có ý nghĩa nâng cao năng lực khai thác QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa và giảm ùn tắc, TNGT.

Đây là dự án được bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng BOT, đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1220 ngày 8/4/2015. Tuyến đường có chiều dài 6 km, nối liền với QL1 đoạn tránh thành phố và QL47.

Đường tránh TP Thanh Hóa có chiều dài hơn 10 km với bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, bắt đầu từ phía Nam cầu Hoàng Long (địa phận TP Thanh Hóa) đến Quán Nam (địa phận huyện Quảng Xương) nối với QL1 đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Từ khi đưa vào khai thác, tuyến đường điều hòa và phân luồng tốt hệ thống giao thông, giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thành, đồng thời đẩy các loại hình dịch vụ, các khu công nghiệp phát triển. Một lợi ích lớn nữa của tuyến đường là hành trình vận tải khách, hàng hóa Bắc-Nam bằng ô tô qua khu vực này đã thuận lợi, nhanh chóng hơn nhiều so với trước. Do đó, việc bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa.

Phối cảnh đường nối QL1 và QL47

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Đình Xứng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, mục tiêu đầu tư dự án là góp phần chia sẻ giao thông với QL1 qua trung tâm và đoạn tránh TP Thanh Hóa, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và TNGT khu vực này. Việc đầu tư, xây dựng tuyến vành đai này phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển GTVT, phục vụ phát triển KT-XH địa phương.

Vận tốc thiết kế tuyến đường tối đa 80 km/h, đi qua địa giới các phường: Hàm Rồng, Đông Thọ, Đông Cương và các xã Đông Lĩnh, Đông Tân của TP Thanh Hóa. Điểm đầu tuyến giao với QL1 tại lý trình Km322+70, cũng là điểm đầu của QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa. Điểm cuối tuyến giao với QL47 mới tại Km20+598, cũng là điểm đầu của Dự án xây dựng đường vành đai phía Tây thành phố.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu nhà đầu tư chuẩn bị đủ nhân lực, vật lực để triển khai sớm Dự án

"Do cả đầu tuyến, cuối tuyến đều là nút giao với các quốc lộ, nên ngoài hạng mục đường còn có các nút giao, đường giao, cầu vượt nút giao. Vì vậy, những giải pháp thiết kế đã tính toán đến các phương án tạo ra sự thuận lợi nhất cho giao thông lẫn thẩm mỹ. Về phần đường, các nút giao, đường giao theo dạng cùng mức được tổ chức giao thông tự điều chỉnh bằng vạch sơn, đảo hướng dẫn và bố trí đầy đủ biển báo hướng dẫn giao thông", ông Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh.

Riêng đối với nút giao đầu tuyến (vượt QL1 và đường sắt Bắc Nam), giai đoạn trước mắt, xây dựng một cầu vượt chính hai làn xe và ba nhánh rẽ; Giai đoạn hoàn thiện xây dựng theo quy mô đảm bảo cầu vượt chính bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Trên tuyến cũng xây dựng một số cống chui dân sinh phù hợp với điều kiện địa hình thực tế. Ngoài cầu vượt tại nút giao, trên tuyến xây dựng ba cầu khác là Thọ Hạc, kênh Bắc và cầu sông kênh Nhà Lê.

Các đại biểu tham dự Lễ Động thổ

Phát biểu tại buổi Lễ, Tổng Giám đốc BOT dự án Nguyễn Hải Nam cho biết, tổng mức đầu tư là hơn 1.014 tỷ đồng, sẽ được hoàn thành trong năm 2017.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ đã được Bộ GTVT phê duyệt, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông và phát triển KT-XH trong khu vực”, ông Nguyễn Hải Nam cam kết.

Phát biểu tại Lễ Khởi công, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Trong điều kiện nền kinh tế còn đang khó khăn, ngân sách nhà nước dành cho đầu tư hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là rất hạn hẹp; Bộ GTVT rất vui mừng đã kêu gọi được các Nhà đầu tư BOT đầu tư cho đoạn tuyến này. Điều đó thể hiện trách nhiệm, cố gắng của các cơ quan trong ngành Giao thông vận tải, của chính quyền tỉnh Thanh Hóa và các Bộ, ngành liên quan.

Máy móc đã sẵn sàng

"Với các ý nghĩa đó, Tôi đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Ban QLDA An toàn giao thông, các Nhà đầu tư và các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị, triển khai và hoàn thiện các thủ tục, điều kiện cần thiết để hôm nay chúng ta tổ chức động thổ và bắt tay vào xây dựng các công trình quan trọng này”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đề nghị Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cho đồng bào trong vùng ảnh hưởng của dự án; sớm giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Nhà đầu tư dự án, Ban QLDA và các nhà thầu thi công tuân thủ tập trung mọi nguồn lực về tài chính, máy móc thiết bị nhằm đầu tư xây dựng công trình đảm bảo an toàn, chất lượng; phấn đấu đưa công trình vào khai thác sử dụng, phục vụ nhân dân đi lại trong thời gian sớm nhất.

“Công trình này chỉ nên hoàn thành trong 12 tháng kể từ hôm nay”, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.

Dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa nằm trong hệ thống mạng lưới giao thông TP Thanh Hóa theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 84, ngày 16/1/2009, tạo thuận lợi cho việc phát triển, mở rộng thành phố trong tương lai, nối liền khu trung tâm chính trị và khu thương mại dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa theo quy hoạch.