Giỏ hàng

Đầu tư cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bằng vốn xã hội hóa

Ngày 5/7, Bộ GTVT sẽ tổ chức động thổ dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn...

Hiện trạng QL1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn

Ngày 5/7, Bộ GTVT sẽ tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn đoạn từ Km 45+100 - Km 108+500 và kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Động lực phát triển KT-XH khu vực phía Bắc

Thời gian qua, Bộ GTVT đã tổ chức xây dựng và đưa vào khai thác hàng loạt công trình, dự án giao thông quan trọng bằng các nguồn vốn khác nhau, trong đó có nhiều dự án được thực hiện bằng hình thức BOT, góp phần nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Để tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, ngày 10/2/2015, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn từ Km 45+100 đến Km 108+500, kết hợp tăng cường trên QL1 đoạn từ Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Long, Tổng Giám đốc Ban QLDA ATGT (đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho biết, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nằm trong tổng thể quy hoạch đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nối từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).

“Do nguồn vốn đầu tư xây dựng toàn bộ tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Lạng Sơn với chiều dài khoảng 152km là rất lớn nên Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chủ trương tách đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn từ Km 45+100 - Km 108+500 đầu tư theo hình thức BOT tại Văn bản số 6738 ngày 3/9/2014. Tiếp đó, tại Quyết định số 555 ngày 10/2/2015, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án này”, ông Long cho hay.

Đánh giá về ý nghĩa của dự án, ông Long khẳng định, đây là tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH đối với nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc. “Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm nhanh chóng hình thành mạng lưới cao tốc quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, cải thiện điều kiện khai thác và tránh ùn tắc, TNGT trên tuyến QL1. Đồng thời, dự án còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực nói chung và hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn nói riêng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông”, ông Nguyễn Hữu Long cho hay.

Được biết, tổng mức đầu tư của dự án hơn 12 nghìn tỷ đồng do các đơn vị: Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư 468, Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1 và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà là liên danh nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư UDIC cho biết, theo thiết kế, dự án đi qua địa phận hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn với tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn là 63,86 km. Điểm đầu tại Km 45+100 (giao cắt với QL1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại Km 108+500, kết nối với điểm cuối của Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT.

Trong khi đó, tổng chiều dài tuyến QL1 của dự án khoảng 110,2 km với điểm đầu tại Km 1+800 (lý trình QL1) thuộc khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại Km 112+038,84 (lý trình QL1), thuộc địa phận xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Trên tuyến cao tốc của dự án sẽ xây dựng bốn nút giao liên thông khác mức tại các vị trí Km 45+100 (giao với QL1), Km 56+000 (giao với QL279), Km 81+140 (giao với TL242) và Km 94+770 (giao với QL37), đồng thời xây dựng đầy đủ các cầu vượt trực thông và hầm chui dân sinh. Các công trình trên tuyến gồm cầu đường ngang vượt trên tuyến cao tốc (5 cầu), cầu vượt dòng chảy trên tuyến cao tốc (10 cầu) và cầu cạn vượt địa hình trên tuyến cao tốc (10 cầu)…

Về quy mô, đoạn từ Km 45+100 - Km 108+500 (cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h. Đây là tuyến mới, chạy song song và tách rời QL1, qua địa phận các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) có bề rộng nền đường 25 m, bao gồm bốn làn xe cơ giới (mỗi làn rộng 3,75 m), hai làn dừng khẩn cấp (mỗi làn rộng 3 m),...

Riêng đoạn từ Tân Dĩnh (Km 106+500) đến nút giao QL31 (Km 108+500), tuyến đi trùng với QL1, khớp nối với dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT, bề rộng nền đường 33m, bao gồm bốn làn xe cơ giới, hai làn dừng xe khẩn cấp, dải an toàn, dải phân cách giữa… Trong khi đó, đối với tuyến QL1 từ Km 1+800 - Km 106+500 được giữ nguyên cấp đường hiện tại với vận tốc thiết kế 60-80 km/h. Hướng tuyến của đoạn này đi trùng với QL1 hiện tại và giữ nguyên theo quy mô mặt cắt ngang hiện trạng.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư UDIC cho biết thêm, thời gian thi công dự án bắt đầu từ năm 2015 và hoàn thành vào năm 2017. Để thực hiện dự án, liên danh nhà đầu tư sẽ huy động nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay tín dụng và tiến hành hoàn vốn thông qua thu phí. Cụ thể, trên tuyến cao tốc dự kiến sẽ xây dựng hai trạm thu phí chính và ba trạm thu phí phụ tại các nút giao liên thông, áp dụng hình thức phu phí kín. Đối với tuyến QL1 sẽ xây dựng hai trạm thu phí, dự kiến tại Km 24+800 và Km 93+160, áp dụng hình thức thu phí hở.

“Trong quá trình triển khai, nhà đầu tư sẽ huy động tối đa các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình. Ngay sau khi tiến hành động thổ, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu tiến hành triển khai ngay các công việc cụ thể để thi công các hạng mục của dự án. Tôi tin tưởng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ GTVT và chính quyền hai địa phương Bắc Giang và Lạng Sơn, chắc chắn dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch vào năm 2017, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH hai địa phương có dự án đi qua nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung”, ông Dương nhấn mạnh.