QL1 qua Ninh Thuận: Thông mạch toàn tuyến đường bộ Bắc - Nam
Một đoạn QL1 qua Ninh Thuận trước ngày thông xe
Tập trung thi công ngay khi có mặt bằng
Dự án mở rộng QL1 qua Ninh Thuận theo hợp đồng BOT do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII - Nhà đầu tư) giao cho Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.110 tỷ đồng để xây dựng 37 km chiều dài của tuyến (chia làm 5 đoạn nằm xen kẽ với các đoạn thuộc dự án sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, trải dài trên tuyến 65 km). Bề rộng nền đường là 20,5 m bao gồm bốn làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp. Trên tuyến đường này có tổng số 35 cầu và 82 cống phải xây mới.
Công trình được thi công từ giữa tháng 10/2014, triển khai chậm hơn một năm so với các dự án mở rộng QL1.
Tuyến QL1 qua Ninh Thuận là dự án mở rộng QL1 cuối cùng được hoàn thành, vừa đảm bảo tăng năng lực lưu thông, đồng thời góp phần quan trọng hạn chế và kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. |
Mặc dù đây là dự án được triển khai sau cùng trên tuyến QL1 nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiến độ chung của toàn tuyến theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn và cấp bách để đảm bảo chất lượng và tiến độ, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (nhà đầu tư) đã triển khai thành lập doanh nghiệp dự án tập hợp các cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm và chuyên môn để thực hiện dự án; tiến hành đàm phán với tổ chức tín dụng là Ngân hàng Vietinbank ngày 26/8/2015 trước khi có hợp đồng BOT chính thức để chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện dự án.
Cũng như nhiều dự án khác trên tuyến QL1, công tác bồi thường GPMB rất khó khăn. Để giải quyết “bài toán” GPMB, tỉnh Ninh Thuận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng rốt ráo thực hiện. Tuy nhiên, mặt bằng vẫn bàn giao ở dạng “da beo” không liền mạch, một số khu vực sau khi đã bàn giao mặt bằng có những hộ còn cản trở thi công, tái lấn chiếm và tổ chức khiếu nại… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Cùng với đó, công tác di dời các công trình hạ tầng rất chậm. Chẳng hạn như việc di dời đường ống nước của Công ty CP cấp nước, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận diễn ra đến gần cả năm trời. Bởi thế, nhiều đoạn tuyến tuy đã có mặt bằng vẫn không thể triển khai thi công.
Ông Phạm Thế Chỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch (theo chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND tỉnh Ninh thuận), chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai thi công ngay trên những khu vực đã nhận mặt bằng kể cả các đoạn mặt bằng chỉ có khoảng 20m. Do mặt bằng bàn giao không đủ dài, việc tổ chức thi công và đảm bảo ATGT vô cùng khó khăn, chi phí thiết bị xe máy và nhân sự của các đơn vị thi công tăng. Ngay khi có mặt bằng “sạch”, đơn vị đã tập kết đủ số lượng thiết bị máy móc cần dùng, huy động tối đa nhân lực để thi công nên mới có thể đáp ứng với tiến độ theo kế hoạch. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà có những thời điểm, cả người và máy móc phải nằm chờ việc, hoặc thi công không hết công suất…
Dự án được áp dụng nhiều công nghệ làm đường mới, ưu việt
Áp dụng công nghệ mới, đảm bảo ATGT
Rút kinh nghiệm các dự án trước trên tuyến QL1 và thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT là hạn chế nâng cao độ mặt đường, nhất là các đoạn tuyến đi qua khu đô thị, khu đông dân cư, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân hai bên đường, Dự án mở rộng tuyến QL1 qua Ninh Thuận được áp dụng đồng bộ nhiều công nghệ mới. “Rất nhiều đoạn tuyến được sử dụng công nghệ cào bóc, tái sinh nguội mặt đường hiện hữu. Điều này đã hạn chế nâng cao độ mặt đường, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng nhất của kết cấu mặt đường, tăng cường độ của móng; Đồng thời, đẩy nhanh được tiến độ thi công”, ông Chỉnh cho hay.
Theo đại diện tư vấn giám sát (TVGS) thuộc Viện Khoa học Công nghệ GTVT, trong suốt quá trình thi công, phía TVGS thường xuyên có từ 15 cán bộ, nhân viên trở lên bám trụ trên các công trường, đảm bảo để chất lượng các công trình đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ GTVT. Chất lượng vật tư, vật liệu, các hạng mục thi công được kiểm soát chặt chẽ theo đúng trình tự, quy định. Các công nghệ mới được áp dụng: Sử dụng nhựa đường 40/50 cho lớp BTN C19, nhựa đường polyme. Một số đoạn thi công thử nghiệm công nghệ Carboncor Asphal; Phần cầu thì áp dụng công nghệ dầm T ngược để hạn chế nâng cao độ mặt cầu…Tư vấn giám sát tin tưởng rằng, công trình sẽ đạt chất lượng theo yêu cầu thiết kế, đã hạn chế được vệt hằn bánh xe, đảm bảo thuận lợi cho công tác ATGT.
Cùng với đó, chủ đầu tư thường xuyên cử cán bộ kiểm tra hiện trường, phối hợp với TVGS, TVTK xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc.
Do dự án vừa thi công vừa khai thác nên trong suốt thời gian qua, công tác bảo đảm ATGT luôn được chủ đầu tư quán triệt các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc. Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận thành lập đội chuyên trách xử lý vi phạm về ATGT. Đội công tác này thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng thời đề xuất xử phạt nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm. Hệ thống rào chắn, cọc tiêu, biển cảnh báo có phản quang được bố trí đầy đủ theo đúng quy định; Tổ chức phân luồng giao thông hợp lý...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Sở GTVT Ninh Thuận cho biết, Sở thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo ATGT của các đơn vị thi công trên QL1 nói chung và dự án BOT Ninh Thuận, bởi đây là tuyến “huyết mạch” trọng yếu. Trên tuyến đường này, các đơn vị thi công đã làm rất nghiêm túc, từ việc bố trí rào chắn, biển báo đến công tác bảo dưỡng mặt đường hiện hữu… đều được thực hiện rất tốt.
Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT và sự hỗ trợ, giải quyết kịp thời các phát sinh vướng mắc của Cục QLXD, Ban QLDA 7, với thời gian thi công rất ngắn, gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thi công, nhà đầu tư, chủ đầu tư đã cùng với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế khắc phục khó khăn, triển khai thi công công trình đảm bảo chất lượng và đúng theo tiến độ yêu cầu của Bộ GTVT, đưa công trình khai thác vào cuối tháng 12/2015.