Giỏ hàng

Tổng cục ĐBVN đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ

​“Tổng cục ĐBVN đã đáp ứng được nhu cầu của người dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ ”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục ĐBVN sáng ngày 26/12.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể  phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, năm 2018 Tổng cục đã: 

- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện tích cực, chủ động bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu, đã giải quyết những khó khăn vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn xã hội.

- Thực hiện đấu thầu 100% qua mạng toàn bộ các dự án bảo trì đường bộ bảo đảm công khai, minh bạch; vượt tỷ lệ % do Chính phủ, Bộ GTVT quy định. 

- Công tác bảo đảm ATGT được quan tâm thực hiện, xóa 100% điểm đen và xử lý nhiều điểm tiềm ẩn trên quốc lộ, góp phần giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí.

- Triển khai phần mềm kết nối dữ liệu 66 trạm thu phí với hệ thống quản lý giám sát thu phí BOT của Tổng cục ĐBVN góp phần công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao.

- Tích cực thực hiện các nhiệm vụ xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử, áp dụng chữ ký điện tử, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông; triển khai dịch vụ công mức độ 4 thực hiện cơ chế hải quan 1 cửa quốc gia đối với dịch vụ cấp, đổi GPKD vận tải quốc tế bằng xe ô tô, biển hiệu qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí.

- Nâng cấp, đổi mới việc tiếp nhận thông tin từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực vận tải, làm cơ sở chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý theo quy định các đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm. 

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch quá trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan triển khai thành công dịch vụ công mức độ 3 đổi GPLX quốc gia, mức độ 4 cấp GPLX quốc tế trên cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 09/12/2019 và đang tiếp tục triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi GPLX quốc gia ở một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện trong quý I năm 2020.

Tổng cục Trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện chủ trì Hội nghị.

- Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương được triển khai tích cực, khẩn trương, trong đó có việc vận động bà con hiến đất xây dựng cầu được Ngân hàng Thế giới và chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao. Đến nay, hơn 1.600 cầu thuộc dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ bà con nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác bảo trì và bảo đảm ATGT thể hiện trên các nội dung:

+ Tổ chức đánh giá và triển khai áp dụng bê tông nhựa Carboncor Asphaltloại CA19 làm lớp móng trên và CA12.5 làm lớp mặt

+ Tăng mạnh cả về số dự án và chi phí bảo trì cho việc áp dụng công nghệ tái chế móng mặt đường;

+ Triển khai các công nghệ bê tông nhựa ấm, bê tông tính năng cao UHPC trong sản xuất dầm cầu (dự án LRAMP), 

+ Đẩy mạnh sử dụng thiết bị công nghệ trong bảo dưỡng đường bộ và các phần mềm trong quản lý, giám sát bảo trì.; 

+ Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển giao thông nông thôn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của Bộ GTVT.

Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2020, Phó Tổng cục trưởng cho biết: năm 2020, Tổng cục ĐBVN sẽ hoàn thành công tác xây dựng văn bản QPPL; phối hợp với các cơ quan của Bộ, các Bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật GTĐB trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực hiện việc rà soát các văn bản QPPL, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tuyên truyền phổ biến pháp luật.... Phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định hướng dẫn về bảo trì phù hợp với thực tế để tháo gỡ triệt để các tồn tại trong công tác bảo trì.

Tăng cường quản lý chất lượng công tác BDTX thông qua tuần đường, tuần kiểm, kiểm tra của các cấp đồng thời xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Tiếp tục ứng dụng công nghệ quản lý trên phần mềm (Gov.one và các phần mềm khác), ứng dụng các thiết bị trong kiểm tra cầu đường; cập nhật thông tin quản lý cầu đường và kết cấu hạ tầng đường bộ. 

Thừa ủy quyền cuả Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao Huân chương hạng 3 cho đồng chí Đào Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục quản lý đường bộ II Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2013 đến 2017.

Công tác sửa chữa công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, quản lý sử dụng dự toán chi phí đúng quy định. Tăng cường quản lý chất lượng, khối lượng, giá trị thanh toán trong thực hiện các dự án sửa chữa đường bộ; phấn đấu giải ngân 100% vốn giao; siết chặt quản lý chất lượng. Đồng thời triển khai các giải pháp kỹ thuật để tăng cường chất lượng sửa chữa, nhất là vá sửa mặt đường; đẩy mạnh cào bóc tái chế.

Tiếp tục thực hiện quản lý các dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh khai thác. Tổ chức rà soát, điều chỉnh phương án tài chính theo quy định tại Hợp đồng; tổng hợp, báo cáo doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ và các chỉ tiêu tài chính; xử lý các bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.

Tổ chức giám sát tại các Trạm thu phí nhằm minh bạch hóa công tác thu phí BOT, kịp thời phát hiện những tồn tại để ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm. Đôn đốc các Nhà đầu tư BOT nộp phí sử dụng tài sản nhà nước.

Tăng cường kiểm tra hiện trường; tiếp tục ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên QL; bổ sung vạch sơn, biển báo, đinh phản quang và các điểm mất ATGT phát sinh trong quá trình khai thác. Các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm sẽ tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn, hốc cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh; hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường cao tốc.

Xử lý kịp thời các sự cố cầu đường; tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang, công trình; xử lý nghiêm các tình trạng vi phạm giao thông qua đường dây nóng, tuần tra, kiểm soát, trích xuất dữ liệu camera của cơ quan quản lý đường. Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác tổ chức giao thông, xử lý điểm đen, điềm tiềm ẩn tai nạn giao thông; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương tuyên truyền về đảm bảo TTATGT; duy trì hoạt động đường dây nóng đến từng đơn vị cơ sở.

Lực lượng TTGT của các Sở GTVT, Công chức Thanh tra GTVT của các Cục QLĐB chủ động kiểm tra hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện và kích thước thành thùng xe, tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng. Tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ trên tuyến để nâng cao hiệu quả công tác, ngăn chặn và phòng ngừa sai phạm. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương tuyên truyền về kiểm soát tải tải trọng phương tiện.

Công tác quản lý vận tải, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị hỗ trợ kỹ thuật để duy trì hoạt động ổn định của hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT. Chỉ đạo các địa phương tăng cường theo dõi, khai thác và xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT; tiếp tục đôn đốc và yêu cầu các bến xe khách thực hiện truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục ĐBVN để quản lý chặt chẽ hoạt động của tuyến cố định. 

Công tác quản lý phương tiện và người lái , xây dựng Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ - Trung tâm Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe toàn quốc. Hoàn thiện quy chuẩn thiết bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe của học viên lái xe và quy chuẩn thiết bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe và thiết bị mô phỏng để sát hạch lái xe.  

Tiếp tục đầu tư nâng cấp, điều chỉnh phần mềm quản lý GPLX đối với hệ thống một cửa, một cửa liên thông của Bộ GTVT và kết nối, liên thông trực tiếp với cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai Dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục Cấp mới GPLX và triển khai thí điểm thủ tục đổi GPLX do ngành GTVT cấp lên dịch vụ công mức độ 4 tại một số địa phương theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 9131/VPCP-KSTT ngày 08/10/2019.

 Công tác KHCN, MT&HTQT, tiếp tục triển khai thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc, công tác kiểm định cầu; tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản đường bộ thuộc dự án VRAMP và LRAMP; dự án quản lý khai thác, giám sát dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực GTVT đường bộ. Triển khai xây dựng Chính phủ điện tử theo Khung kiến trúc chính phủ điện tử do Bộ GTVT ban hành; duy trì hoạt động của trang website của Tổng cục và các hệ thống cơ sở dữ liệu.

Triển khai công tác môi trường, xã hội cho các dự án do Tổng cục làm chủ đầu tư; triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ môi trường năm kế hoạch 2020. Xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc họp nhóm công tác về vận tải mặt đất/Tạo thuận lợi vận tải; các Hội nghị GTVT ASEAN vào năm 2020 do VN chủ trì.

Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho các đơn vị thuộc Tổng cục.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức Tổng cục trong năm qua. Bộ trưởng khẳng định những đóng góp của Tổng cục ĐBVN đã góp phần quan trọng vào thành công chung của ngành GTVT trong năm 2019.

Bộ trưởng đánh giá trong năm 2019, Tổng cục Đường bộ đã hoàn xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao, đặc biệt tai nạn giao thông trong năm 2019 đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, điều này chứng tỏ công tác quản lý hạ tầng điểm đen và xử lý nghiêm hành vi vi phạm liên quan đến lái xe sử dụng rượu bia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong ít ngày tới, Thủ tướng sẽ ký ban hành Nghị định 46 và 86 sửa đổi. Đây sẽ là cơ sở để lập lại trật tự vận tải, xoá xe dù bến cóc, vận tải trá hình, xử nghiêm vi phạm. Không chỉ xử phạt khi trực tiếp phát hiện, còn xử phạt nguội qua camera và công nghệ thông tin. Đây cũng là nền móng cho sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sẽ thực hiện trong năm 2020, với việc cập nhật các phương thức kinh doanh mới.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ năng lực, nhất là về công nghệ thông tin để phát triển bền vững. "Năm lĩnh vực của ngành GTVT chỉ có duy nhất 1 tổng cục, do đó Tổng cục Đường bộ VN phải nỗ lực đổi mới, đi đầu về công nghệ để xứng đáng là “anh cả” trong ngành GTVT để các đơn vị khác làm theo", Bộ trưởng nói và cho rằng, Chính phủ đã công bố cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, Tổng cục Đường bộ VN cấp bằng lái xe phải triệt để áp dụng theo tinh thần cấp cho người dân nhanh, thuận lợi, tiết kiệm nhất.

Là đơn vị quản lý tài sản lớn với gần 25.000km đường Quốc lộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Tổng cục đã làm rất tốt công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa đường xá nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ trưởng cũng lưu ý Tổng cục Đường bộ phải duy trì tình trạng an toàn giao thông tốt hơn bởi đường sá thay đổi sẽ kéo theo biển báo, giờ giảm tốc nên cần xử lý ngay.

Đưa ra bài học những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên Quốc lộ 5 trong năm vừa qua liên quan đến công tác bảo trì quản lý đường bộ, biển báo an toàn giao thông, Bộ trưởng Thể quả quyết: “Nếu không làm tốt thì trong các vụ án có liên quan đến tai nạn giao thông sẽ phải trả lời về trách nhiệm của mình".

Theo ông Bộ trưởng, 90% tai nạn giao thông liên quan đến đường bộ, do đó nếu làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa đường; xóa các điểm đen về tai nạn giao thông; đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu mới để quản lý lái xe… tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm sâu.